Người thầy hiếm có

Không hiểu sao, khi gặp thầy Phan Thanh Thuận (sinh năm 1962 – Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Tôn Thất Tùng, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) tôi lại có cảm giác mọi ngôn từ khen tặng bỗng trở nên sáo rỗng!

Giữ trọn đam mê

Trước khi gặp thầy Phan Thanh Thuận, tôi nghe không ít lời ngợi khen về thầy. Đến lúc gặp Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng, chị Trần Thị Kim Vân, tôi phần nào hiểu vì sao họ lại dành nhiều tình cảm cho thầy đến thế. “Dẫu biết, khi quyết định dấn thân vào ngành nghề đã chọn, thường ai cũng phải có tình yêu hoặc niềm đam mê. Nhưng tình yêu thầy Thuận dành cho nghề giáo, dưới góc nhìn của riêng tôi rất đặc biệt. Giữa thời buổi này, việc giữ trọn cho mình một tình yêu trong sáng, đầy nhiệt huyết với nghề, làm việc gì cũng không hề vụ lợi, luôn lấy mục đích đem lại niềm vui cho mọi người như thầy Thuận quả là hiếm!”- Hiệu trưởng Kim Vân thổ lộ.

Minh chứng lời mình nói, Hiệu trưởng trường THPT Tôn Thất Tùng đưa tôi xem vài đoạn clip về những việc thầy Thuận đã dành trọn tâm huyết để làm cho trường, cho học trò. Từ đồ dùng dạy học môn Toán đến các mô hình đồ chơi tự làm tặng con em giáo viên (GV) trong trường vào dịp Tết Trung thu, clip giới thiệu về trường…, thầy đều dồn hết tâm tâm sức, tình yêu vào đó. Đặc biệt, qua các mô hình đồ chơi tặng cho các cháu Tết Trung thu với các chủ đề “Em yêu Đà Nẵng”, “Đà Nẵng đẹp như mơ” (theo nhận xét của Hiệu trưởng Kim Vân “nếu có ở thị trường, giá cũng từ bạc triệu trở lên”), tôi cảm nhận được tình yêu nồng nàn thầy dành cho Đà Nẵng, dù đây không phải là nơi thầy sinh ra, lớn lên.

Cũng theo cô Vân, ở độ tuổi sắp sửa về hưu nhưng thầy rất hăng hái, nhiệt tình tham gia các cuộc thi nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật của ngành, của TP tổ chức. Thầy từng đoạt giải nhất quốc gia về giảng bài E-Learning, 2 giải nhất, 1 giải nhì về đồ dùng dạy học tự làm cấp TP. Mới đây, thầy đoạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp TP và là một trong 20 GV đầu tiên của TP được nhận giải thưởng Võ Trường Toản, khi giải thưởng này mở rộng ra khu vực Đà Nẵng năm 2016.

Không chỉ vững vàng về chuyên môn, thầy còn có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong hướng dẫn GV trẻ; nhiệt huyết với các hoạt động do nhà trường, công đoàn giao cho. Là Tổ trưởng Tổ Toán, nơi trong một thời gian khá dài có duy nhất thầy là “nam khôi” (mới bổ sung thêm 1 GV nam về), còn lại đều là GV nữ, trong đó nhiều người đang ở “giai đoạn vàng” thời kỳ sinh nở, nên thầy rất hiểu, cảm thông những vất vả của họ. Vì thế, chia sẻ, hỗ trợ được điều gì cho đồng nghiệp, thầy sẵn sàng làm giúp, không nề hà… “Tuy kinh tế gia đình thầy chẳng khá giả gì, nhưng tôi luôn cảm thấy thầy ấy rất giàu – giàu tình cảm, giàu tình người. Ở thầy Thuận, có thể nói đó là một người “biết đủ là đủ”- cô Vân nhận xét thêm.

Phận sự

Đem những lời nhận xét trên kể với thầy Thuận, tôi nhận nơi thầy câu trả lời khiêm nhường: “Chắc vì thương nên cô Vân và một số đồng nghiệp mới nói quá vậy thôi! Chứ tôi cũng chỉ làm tròn phận sự của một nhà giáo!”.

Sinh ra lớn lên ở Hải Lăng (Quảng Trị), từ nhỏ thầy Thuận đã mê và mơ ước lớn lên sẽ trở thành thầy giáo dạy Toán. Kết thúc lớp 12, thầy đăng ký dự thi và trúng tuyển vào ngành SP Toán ĐH Sư phạm Huế. Tại đây, thầy gặp và yêu cô bạn cùng lớp Bùi Thị Thư, người Đà Nẵng. Ra trường, cả hai được phân về dạy tại Trường THPT Lê Hồng Phong ở H.Duy Xuyên (Quảng Nam). Sau 8 năm gắn bó tại đây, năm học 1994-1995, thầy được chuyển về dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP (GDTX), nay là TT GDTX số 1. Năm 2005, một năm sau khi Trường THPT Tôn Thất Tùng thành lập, thầy được chuyển về đây dạy.

Từng là HS nên thầy rất hiểu tâm lý của những cô cậu học trò vốn mất căn bản hoặc không ham thích môn Toán. Để trả lời câu hỏi “học Toán để làm gì”, khi đứng trên bục giảng, thầy Thuận luôn trăn trở phải làm sao để vừa có phương pháp, cách dạy giúp HS hiểu được bài giảng, vừa hiểu được ý nghĩa ứng dụng của môn học này trong đời sống thực tiễn để không thấy đây là môn học khô khan, trừu tượng, khó nuốt. Từ đó, thầy nghiên cứu, tìm tòi và tự làm ra nhiều đồ dùng dạy- học Toán cho trường.

Hiện thầy đang dành nhiều tâm huyết nghiên cứu để chế tạo ra sản phẩm đồ dùng dạy học áp dụng cho bài giảng về Hàm số liên tục gắn với cầu sông Hàn – một trong những biểu tượng của TP Đà Nẵng. “Mỗi khi đi qua cầu sông Hàn, tôi nghĩ, Đà Nẵng mình có cây cầu quá đẹp, sao không tìm cách nghiên cứu để làm mô hình đưa vô bài dạy về Hàm số liên tục trong chương trình lớp 11, giúp HS hiểu ý nghĩa ứng dụng thực tế của Hàm số này. Cầu sông Hàn khi quay, tàu thủy đi qua được; khi đóng lại thì liên tục. Đó là một hình ảnh rất sát với bài học về sự liên tục và không liên tục. Tôi được biết, ở Nga, người ta cũng đã đưa hình ảnh cây cầu Đa-vốt vào trong Toán để nói ý nghĩa thực tế của hàm số liên tục. Từ trực quan sinh động mới có tư duy trừu tượng; rồi từ tư duy trừu tượng phản ánh thực tế. Hai điều này tác động qua lại, bổ sung cho nhau. Thực tế cho thấy, có không ít em khi trưởng thành tuy không theo các ngành, nghề liên quan đến môn Toán nhưng vẫn nhớ đến những giờ dạy của thầy cô. Điều đó cho thấy, phải tạo được ấn tượng, sự sinh động trong các tiết dạy. Không tham vọng gì nhiều, tôi chỉ muốn giúp các em khi nói về Hàm số liên tục thì nhớ đến hình ảnh cầu sông Hàn, hoặc khi nói về “mặt tròn xoay” lại nhớ đến chiếc bàn xoay đã được thực hành làm đồ gốm ở trường”- thầy Thuận bộc bạch suy nghĩ.

Theo thầy, trong quá trình giảng dạy, người thầy phải không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để giờ học trở nên sinh động, giúp HS dễ hiểu bài. Cũng trong quá trình giảng dạy, thầy luôn cố gắng làm sao nắm bắt tâm tư của học trò để có cách động viên, khích lệ, đặc biệt là với những học trò “cá biệt”, không thích học Toán… Thầy còn uyển chuyển lồng ghép việc phải thực hiện đúng các quy tắc, quy trình, phương trình khi làm toán để nhắc nhở, giáo dục HS chấp hành đúng các quy định của pháp luật, nhất là khi tham gia giao thông phải tuân thủ đúng quy định để không gây tai nạn. Điều thầy Thuận tâm tư nhất là nội dung chương trình dạy học hiện chưa được đổi mới, khiến việc đổi mới phương pháp dạy học của các thầy cô gặp không ít khó khăn.

Cách đây một năm, khi viết bài về cô giáo Bùi Thị Thư – vợ thầy, một trong 20 nhà giáo Đà Nẵng được nhận giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 2 – tôi từng được nghe thầy Đinh Lương Y- Phó Giám đốc Trung tâm GDTX số 1 TP- nhận xét về vợ chồng thầy rằng “Hiếm thấy ai có được niềm say sưa, tâm huyết với nghề như vợ chồng cô giáo Thư. Đó là một gia đình nhà giáo mẫu mực hiếm có”. Cũng theo thầy Y, ông học hỏi ở thầy Thuận, cô Thư rất nhiều điều. Đến lúc gặp thầy Thuận, tôi hiểu vì sao thầy Đinh Lương Y nói vậy. Ở thầy Thuận, tôi cảm nhận được sự hội tụ những đức tính đáng quý của một người thầy, đó là sự dung dị, mộc mạc, khiêm nhường cùng tình yêu trong sáng dành cho nghề giáo, cho đồng nghiệp, cho ngôi trường mà thầy đã gắn bó gần 15 năm.

Ghi chép: P.THỦY – Báo Công an Đà Nẵng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *