Kiến thức và kỹ năng sống, cái nào quan trọng hơn?

Giáo dục nhân cách cho học sinh là vấn đề mà cha mẹ, nhà trường phải đặt sự quan tâm lên hàng đầu.

Đáng nhẽ, ngay từ những ngày mới bước chân vào trường học, các em phải được học tính tự lập, kỹ năng sống và ý thức của việc học.
Tuy nhiên, những điều này lại rất ít được chú trọng.

Cho bạn nhìn bài là cổ súy cho hành vi gian dối

Khi đến trường, chúng ta vẫn thường hay bắt gặp hình ảnh các em học sinh vô tư mượn vở của bạn để chép lại bài, kể cả bài giảng hôm trước và cả bài tập về nhà.
Khi làm bài kiểm tra các em học sinh cũng dễ dàng nhắc bài cho nhau, nhìn bài nhau thậm chí đọc kết quả giải được cho các bạn chép và nộp cho giáo viên.
Nhiều người sẽ nghĩ đó là sự chia sẻ? Nhưng trong trường hợp này thì cả người chép bài và cả người cho chép bài đều sai.
Hệ lụy của thực trạng này là sản sinh ra những học sinh có tính ỷ lại, thiếu thành thật và kết quả học tập gian dối.
Ngay từ bé, các em cần phải ý thức được vấn đề tự lập, tự học, tự chuẩn bị kiến thức cho mình. Điều này, sẽ giúp các em luôn trân trọng những kiến thức mà mình có được.
Dù ở khía cạnh người cho chép bài hay người chép bài thì đều đáng phê phán. Bởi nếu các em trân trọng giá trị mà các em làm ra (giá trị tri thức) thì các em không dễ dàng đưa kết quả này cho người khác nhân bản.
Bản thân người nhận cũng phải ý thức được kết quả bài giải này không phải là thành quả lao động trí óc của mình nên sẽ có lòng tự trọng và không sao chép.
Có như vậy, tính tự lập và ý thức tự giác của các em sẽ được nâng cao.
Nhưng để làm được điều này thì những người làm thầy, làm cô và cả bậc làm cha mẹ cũng phải tự giác và thành thật.
Ý thức được việc học thì mới nâng niu sự học
Hiện nay, còn rất nhiều học sinh không ý thức được rằng: Tại sao phải học và học để làm gì? Bản thân tôi nghĩ, nếu không ý thức được 2 vấn đề này thì các em học sinh không thể có quyết tâm để học.
Tất nhiên, không thể đẩy tất cả trọng trách này cho thầy cô giáo mà cha mẹ cũng có một phần lớn trách nhiệm trong việc giáo dục việc học cho con em mình.
Tuy nhiên, ở góc độ người làm giáo dục, tôi nghĩ trong từng môn học những người làm giáo dục cần phải giải thích cho học sinh biết được học môn này để làm gì? Tại sao chúng ta phải học môn học này.
Có như vậy, tôi tin chắc các em sẽ không bao giờ có tư tưởng môn học này, môn học kia là thừa thải.
Và khi đã không còn tư tưởng đó thì chắc chắn ý thức trong việc học môn học đó sẽ được nâng cao và kết quả học tập theo đó được nâng lên.

Kỹ năng sống còn quan trọng hơn kiến thức

Ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ… trẻ em được giáo dục rất kỹ về các kỹ năng sống.
Đến Nhật Bản, “quê hương” của những trận động đất, ngay từ nhỏ, các em đã được huấn luyện để ứng phó với thảm họa này.
Bạn sẽ rất ngạc nhiên thấy những đứa trẻ 4-5 tuổi nhanh thoăn thoắt chui xuống gầm bàn, ngồi co lại khi xảy ra những cơn rung chấn. Đó là kỹ năng mà bất cứ một đứa trẻ nào ở xứ sở này đều thuộc nằm lòng.
Lứa tuổi cần chú trọng để giáo dục kỹ năng sống là bậc giáo dục mầm non và tiểu học.
Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề này chưa được chú trọng hoặc chú trọng chưa tương xứng với tính cấp thiết của vấn đề.
Hiện nay, các tệ nạn xã hội ngày các nhiều, các vấn đề rủi ro xuất phát từ tệ nạn xã hội mà trong đó trẻ em là nạn nhân ngày càng gia tăng.
Nếu chúng ta giáo dục một cách bài bản, khoa học thì chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa các hậu quả đáng tiếc.
Ở lứa tuổi bậc tiểu học hiện nay ở nước ta đang chú trọng nhiều về kiến thức mà lại thiếu đi giáo dục về kỹ năng.
Điều này là thiếu khoa học. Kiến thức là quan trọng nhưng ở lứa tuổi bậc tiểu học kỹ năng sống còn quan trọng hơn.
Phát triển kỹ năng sống còn góp phần giúp các em tích lũy kiến thức xã hội, tăng khả năng nhìn nhận vấn đề và phát triển toàn diện thể chất lẫn tinh thần.

giaoduc.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *